ngày 2/5/2014

Lưu ý thai kỳ mẹ bầu phải nhớ!

Sẽ hạn chế được nhiều nguy hiểm trong thai kỳ nếu mẹ lưu ý đến những hướng dẫn giữ thai an toàn, khỏe mạnh.

Từ khi thụ thai cho đến lúc chào đón bé yêu là chặng đường dài gần 280 ngày thai nghén. Để đảm bảo bạn và bé khỏe mạnh nhất có thể trong thời điểm nhạy cảm này, nên quan tâm kỹ hơn đến chăm sóc tiền sản. Sau đây là những hướng dẫn đơn giản mà hiệu quả giúp bảo vệ 2 mẹ con khỏe mạnh và an toàn hơn trong suốt thai kì.

Khám tiền sản ngay sau thụ thai

Ngay khi có tin mừng bầu bí, bạn nên đến bệnh viện hay các cơ sở y tế uy tín để thăm khám tiền sản, nhằm xác định chính xác xem bạn đã có thai hay chưa, thai nằm ở đâu trong tử cung (để tránh tình trạng thai ngoài tử cung), đơn thai hay đa thai, tình trạng phát triển của thai nhi v.v…

Trong lần khám đầu tiên này, ngoài các câu hỏi của bác sĩ về bệnh sử cá nhân và tiền sử bệnh án gia đình, bạn sẽ được theo dõi cân nặng và huyết áp. Đây sẽ là những cân đo thường quy trong suốt quá trình khám thai sau này. Đồng thời, bác sĩ cũng sẽ tiến hành khám phụ khoa để kiểm tra kích thước và hình dạng tử cung (dạ con). Có thể mẹ bầu cũng được chỉ định làm xét nghiệm Pap smear để kiểm tra những bất thường ở cổ tử cung.

Các xét nghiệm nước tiểu, máu được thực hiện nhằm kiểm tra vi khuẩn trong nước tiểu, số lượng tế bào máu, nhóm máu và xác định những cảnh báo nguy hiểm về sức khỏe ở mẹ bầu như lượng đường cao (có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường), nồng độ protein cao (có thể dẫn đến nguy cơ tiền sản giật), nồng độ chất sắt thấp (thiếu máu), các bệnh truyền nhiễm (giang mai hay viêm gan). Ngoài ra, bạn còn được siêu âm để biết ngày dự sinh, tình trạng phát triển, vị trí và số lượng thai nhi (đơn hay đa thai trong lần thăm khám này.

Sau lần khám đầu tiên, các lần sau sẽ ít mất thời gian hơn nhằm trao đổi về những vấn đề đặc biệt nếu có hoặc về hình thức sinh nở (sinh thường hay sinh mổ). Mỗi lần khám đều phải cân, đo huyết áp và thử nước tiểu để theo dõi sát sao về tình trạng sức khỏe của mẹ, sự phát triển của bé v.v… Do đó, bạn nên tuân thủ nghiêm lịch khám thai theo chỉ định của bác sĩ.

Giám sát cân nặng

Lần khám tiền sản đầu tiên cũng là lúc bạn nên trao đổi với bác sĩ về cân nặng hiện tại của mình và liệu bạn nên tăng bao nhiêu cân để đảm bảo bé yêu phát triển tốt mà mẹ lại dễ lấy lại vóc dáng sau sinh.  Các bác sĩ thường khuyến cáo 1 phụ nữ nặng trung bình cần lên cân từ 10 – 15kg trong 40 tuần lễ mang thai. Tuy nhiên, mức tăng này có hợp lý hay không còn tùy thuộc vào chỉ số cân nặng của cơ thể (BMI) trước khi mang bầu. Mẹ bầu có thể tham khảo mức tăng cân chuẩn theo chỉ số BMI như sau:

Bài liên quan: 

- Mẹ nhẹ cân: BMI dưới 19,8 thì mức tăng cân hợp lý khi mang thai là từ 12 – 18kg.

- Mẹ có cân nặng bình thường: BMI từ 19,8 – 26, nên tăng từ 11 – 14kg.

- Mẹ bị thừa cân: BMI từ 26 – 29, nên tăng từ 8 – 11kg.

- Mẹ bị béo phì: BMI trên 29, chỉ nên tăng khoảng 8kg trong suốt thai kì.

Cẩn thận khi ăn uống

Ăn uống cân bằng, lành mạnh là 1 trong những điều quan trọng nhất mà bạn có thể làm cho bản thân và cho bé yêu nhà bạn. Thông thường không cần quá kiêng khem trong giai đoạn này, tuy vậy bạn phải nắm vững danh sách những thực phẩm có thể gây hại cho mẹ và bé, như tránh ăn cá mập, cá kiếm, cá thu, cá chình do hàm lượng thủy ngân cao. Nếu ăn cá ngừ, các mẹ chỉ nên ăn cá ngừ trắng và không ăn quá 170g mỗi tuần.

Thịt, trứng và cá nấu không chín cũng có nguy cơ làm cho bạn và bé bị nhiễm trùng, ví dụ như khi ăn thịt chưa nấu chín kỹ, mẹ có thể bị nhiễm vi khuẩn Listeriosis gây sốt cao, đau bụng, tiêu chảy, bào thai nhiễm bệnh qua đường máu từ mẹ có thể bị chết non. Nguy hiểm hơn, vi khuẩn Listeriosis rất có thể gây sẩy thai cho mẹ ở các lần sau.

Rửa sạch tất cả trái cây và rau trước khi ăn. Ngoài ra phải giữ thớt và các dụng cụ chế biến thức ăn luôn sạch sẽ. Tốt nhất nên có 2 loại thớt, 1 dành cho việc chế biến thực phẩm tươi sống, thịt, cá, 2 dành cho việc thái các món chín và trái cây, rau củ.

Để bé và mẹ có đủ canxi, nên dùng tối thiểu 4 khẩu phần sữa và các chế phẩm từ sữa mỗi ngày. Tuy nhiên, mẹ bầu cần lưu ý không uống sữa hoặc các sản phẩm từ sữa chưa tiệt trùng như phô mai Brie, phô mai Camebert, phô mai xanh, hay phô mai Mexico v.v… Nếu bạn là 1 “tín đồ” của cà phê và không thể từ bỏ món uống gây nghiện này, hãy đảm bảo chỉ dùng 1 – 2 ly nhỏ/ ngày. Các chất làm ngọt nhân tạo như đường trắng vẫn được sử dụng khi mang thai nhưng cần dùng điều độ với hàm lượng nhỏ.

Lưu ý khi dùng vitamin

Bạn nên dùng 1000 mg axit folic/ ngày trước và trong suốt thời gian mang thai để giúp ngăn ngừa các vấn đề về não và tủy sống của bé, đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ.  Nếu muốn bổ sung thêm các loại vitamin khác, hay dùng thuốc giảm đau, thậm chí thuốc mua không cần toa, bạn vẫn phải hỏi ý kiến của bác sĩ vì 1 số loại có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi, nhất là trong quý đầu tiên của kỳ thai nghén.

Nên làm việc đến khi nào?

Điều này tùy thuộc vào việc bạn có hay không có bất kỳ vấn đề nào về sức khỏe khi mang thai, loại công việc bạn đang làm và liệu môi trường làm việc có tiềm ẩn bất kỳ yếu tố nào gây hại cho thai nhi hay không. Ví dụ, nâng vật nặng trong thời gian dài có thể gây hại đến cơ thể và cột sống của bạn; bức xạ, chì và các kim loại nặng như đồng, thủy ngân có thể làm bé bị tổn hại. Tuy nhiên, làm việc trước màn hình máy tính được cho là không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe 2 mẹ con.

Có một số chị em vẫn tiếp tục làm việc đến gần sát ngày dự sinh, nhưng theo ý kiến của các chuyên gia, bạn không nên làm việc quá tuần 32 của thai kỳ. Khoảng thời điểm này, tim, phổi hay các cơ quan nội tạng quan trọng khác của bạn sẽ phải làm việc nhiều hơn. Khi đó, xương sống lưng, các khớp xương và các bắp thịt sẽ bị căng kéo quá đáng. Vì vậy, đây là lúc bạn nên tự cho phép mình được nghỉ ngơi, nhất là khi bạn không có người đưa rước đến nơi làm việc. Tự lái xe khi bụng bầu đã vượt mặt có thể dẫn đến nguy cơ không an toàn cho bạn và bé.

Mẹ bầu có nên tập thể dục?


Trừ khi có cảnh báo từ bác sĩ, còn không bạn vẫn nên tập thể dục khoảng 30 phút mỗi ngày trong suốt thai kỳ để giảm bớt những khó chịu khi bầu bí và giúp cho việc sinh nở được nhanh chóng, dễ dàng hơn. Môn thể dục tốt nhất cho bà bầu thường là đi bộ, bơi lội. Tránh những môn thể thao làm cơ thể bị nóng quá mức, hay dễ bị té ngã như trượt nước hoặc leo núi, bóng rổ v.v… Luôn chắc chắn phải uống nhiều nước để tránh mất nước, không tập quá sức, bắt đầu từ từ nếu trước khi mang bầu chưa tập luyện, ngưng tập, nghỉ ngơi và gọi cho bác sĩ nếu nhận thấy các triệu chứng như mờ mắt, chóng mặt, đau ngực, đau bụng v.v…

Để an toàn khi sex trong thai kỳ

Có bầu không có nghĩa là bạn “cấm vận” ông xã suốt 9 tháng 10 ngày mang thai vì sợ bé yêu bị đau hay sẩy thai. Ngoại trừ trường hợp bác sĩ tin rằng bạn có nguy cơ nào đó cần phải kiêng khem, còn lại, sex khi mang thai sẽ giúp tâm lý bạn thoải mái hơn và mối quan hệ vợ chồng thêm khăng khít. Hãy nghiên cứu và thử nghiệm các tư thế bạn cảm thấy dễ chịu nhất mà không gây áp lực lên bụng. Nếu thực hiện oral sex, phải nhắc chồng bạn không được thổi khí vào âm đạo vì có thể làm tắc mạch khí, gây tổn thương não, thậm chí dẫn đến tử vong cho mẹ và thai nhi.

Nhận biết các dấu hiệu nguy hiểm

Những thay đổi đột ngột trên cơ thể có thể cảnh báo nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Vì vậy, hãy đến bệnh viện hay báo bác sĩ phụ sản ngay nếu bạn nhận thấy 1 trong các dấu hiệu sau đây:

- Chảy máu âm đạo.

- Sưng đột ngột ở mặt, chân hoặc ngón tay.

- Nhức đầu nghiêm trọng, hoặc chóng mặt, mờ mắt, buồn nôn.

- Đau hoặc chuột rút ở bụng dưới.

- Ớn lạnh hoặc sốt.

- Chuyển động của bé thay đổi đột ngột: ít máy hoặc máy quá mức.

- Tiểu ít, tiểu rát hoặc bất cứ thay đổi nào làm bạn đau và khó chịu.


Các cảnh báo khác mẹ bầu cần lưu ý:

- Không hút thuốc. Hút thuốc làm tăng nguy cơ sẩy thai, sinh non, sinh con nhẹ cân và nhiều vấn đề khác.

- Không sử dụng ma túy. Cocaine, heroin, cần sa và các loại thuốc gây nghiện khác làm tăng nguy cơ sẩy thai, sinh non và dị tật bẩm sinh . Bé sinh ra cũng có thể bị nghiện thuốc mà bạn đã lạm dụng, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bé.

- Không uống rượu. Uống rượu trong khi mang thai là nguyên nhân chính gây dị tật bẩm sinh  cho bé và hội chứng nghiện rượu bào thai.

- Không làm dọn ổ của mèo hoặc ăn thịt đỏ sống hay nấu chưa chín vì mẹ bầu có thể bị nhiễm vi khuẩn Toxoplasmosis làm thai nhi bị dị tật.

- Không dùng phòng tắm hơi, tắm bồn nóng hay tắm nước nóng vì nhiệt độ cao làm tăng nguy cơ sẩy thai và dị tật thai nhi.

- Không nên thụt rửa. Thụt rửa âm đạo có thể khiến không khí vào trong âm đạo, gây ra tắc mạch khí hoặc phá vỡ môi trường sống của các loại vi khuẩn hữu ích giúp giữ cho âm đạo sạch sẽ. Mẹ bầu chỉ cần vệ sinh âm đạo bằng nước ấm mỗi ngày.

Theo Khampha